Hồ sơ đăng ký và quy trình quản lý hộ kinh doanh cá thể
Hộ kinh doanh cá thể cần những hồ sơ và quy trình quản lý như thế nào ?
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
– Bản sao CMND của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình
– Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh (trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập); chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình (trường hợp kinh doanh ngành nghề cần chứng chỉ hành nghệ); Bản sao hợp lệ văn bản xác định vốn pháp định (trường hợp ngành nghề kinh doanh cần vốn pháp định).
– Giấy đăng ký thuế mẫu 03 của chi cục thuế ( Quyết định của UB về chế độ liên thông một cửa và trách nhiệm giải quyết hồ sơ hành chính đăng ký hộ kinh doanh và cấp giấy Chứng nhận đăng ký thuê trên địa bàn quận).
Quy trình quản lý hộ kinh doanh cá thể
UBND quận quản lý về đăng ký, thay đổi nội dung kinh doanh…
Chi cục thuế quản lý về thuế: Quy định cụ thể tại quyết định 1688/ QĐ- TCT ngày 16/4/2014 về việc ban hành quy trình quản lý thuế với hộ kinh doanh của Tổng cục trưởng Tổng cục thuế.
Hộ kinh doanh cá thể phải nộp những loại thuế nào?
3 loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp: Thuế môn bài nộp theo mức thu nhập tháng, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng nộp căn cứ doanh thu hàng năm.
Thuế môn bài
Theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2002/NĐ-CP về việc điều chỉnh mức thuế Môn bài và quy định tại mục I.2 Thông tư số 96/2002/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 75/2002/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 42/2003/TT-BTC), hộ kinh doanh nộp thuế môn bài theo 6 mức sau đây:
Bậc thuế
|
Thu nhập 1 tháng
|
Mức thuế cả năm
|
1
|
Trên 1.500.000
|
1.000.000
|
2
|
Trên 1.000.000 đến 1.500.000
|
750.000
|
3
|
Trên 750.000 đến 1.000.000
|
500.000
|
4
|
Trên 500.000 đến 750.000
|
300.000
|
5
|
Trên 300.000 đến 500.000
|
100.000
|
6
|
Bằng hoặc thấp hơn 300.000
|
50.000
|
Cơ sở kinh doanh đang kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức Môn bài cả năm, nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức thuế môn bài cả năm.
Nơi nộp thuế môn bài đối với hộ kinh doanh: Cơ sở kinh doanh đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế cấp nào thì nộp thuế môn bài tại cơ quan thuế cấp đó.
Thuế giá trị gia tăng
Theo khoản 25 điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng, hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Như vậy, hộ kinh doanh có mức doanh thu hằng năm trên 100 triệu đồng mới phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Thuế thu nhập cá nhân
Theo khoản 1 Điều 3, thu nhập từ kinh doanh bao gồm: thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật là thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, cá nhân kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế thua nhập cá nhân; nếu doanh thu thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Ngoài các loại thuế nêu trên, hộ kinh doanh còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên,… nếu kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế của các luật này.
Hộ kinh doanh cá thể phải nộp thuế bao nhiêu đồng/năm thì sẽ phát sinh nộp thuế GTGT và nộp thuế TNCN từ hoạt động kinh doanh cụ thể với cách tính thuế dựa trên tỷ lệ nộp thuế như sau:
- Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.
- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%.
- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.
- Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.
- Dich vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi; dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi, khuyết tật không chịu thuế GTGT.
Lưu ý: Hộ kinh doanh cá thể không được hoàn thuế GTGT và không phải quyết toán thuế bao gồm cả thuế TNCN.
Hộ kinh doanh cá thể và các vấn đề liên quan đến hóa đơn
Hộ kinh doanh cá thể mua hóa đơn ở đâu?
Mua hóa đơn tại cơ quan thuế.
Hộ kinh doanh cá thể sử dụng hóa đơn gì?
Hóa đơn bán hàng thông thường.
Hộ kinh doanh cá thể có xuất hóa đơn không?
Được phép xuất hóa đơn.
Hộ kinh doanh cá thể có thể xuất nhập khẩu được không?
Căn cứ khoản 1, mục I, thông tư 04/2006/TT-BTM ngày 06/04/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn Nghị định số 12/2006/NĐ-CP quy định:
Trường hợp cá nhân kinh doanh được thành lập, đăng ký kinh doanh đúng theo quy định và không có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thì trừ hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hộ kinh doanh cá thể được phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, gia công, đại lý mua, bán hàng hóa theo quy định và trong phạm vi Nghị định số 12/2006/NĐ-CP không phụ thuộc vào ngành hàng, ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Hộ kinh doanh cá thể có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Theo quy định khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2, Luật BHXH (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016), thì người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động làm việc trong hộ kinh doanh cá thể thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Riêng người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc từ 1/1/2018. Không có quy định chủ hộ phải tham gia BHXH bắt buộc.