Hợp đồng vay tiền không bắt buộc phải có biên bản giao nhận tiền vay
Hợp đồng vay tiền không bắt buộc phải có biên bản giao nhận tiền vay
Thứ nhất, hợp đồng vay tài sản giữa ông A và bà B là hoàn toàn hợp pháp
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Tại khoản 1 Điều 105 BLDS 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Như vậy, vay tiền cũng được coi là hoạt động xác lập giao dịch dân sự vay tài sản.
Điều kiện về hình thức của giao dịch dân sự nói chung được BLDS 2015 quy định tại khoản 1 Điều 119: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”, đồng thời, đối với hợp đồng vay tài sản không có quy định bắt buộc về đăng ký, công chứng chứng thực hợp đồng hay bắt buộc phải tạo lập thành văn bản thì mới có hiệu lực. Hợp đồng vay tài sản được thỏa thuận là hoàn toàn hợp pháp nếu đáp ứng đủ yếu tố về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 BLDS 2015 gồm: yếu tố chủ thể, tính tự nguyện của các bên tham gia giao dịch, mục đích và nội dung không vi phạm điều cấm của xã hội.
Theo tình huống, ngày 21/7/2020 ông A có cho bà B vay số tiền là 40 triệu đồng, khi vay thì hai bên có làm hợp đồng vay tiền, có chữ ký tên và ghi họ tên của bà B, không có ai chứng kiến và không có xác nhận của chính quyền địa phương, thời hạn vay là 4 tháng, hai bên khi vay có thỏa thuận lãi suất là 10%/năm, lãi suất trả hàng tháng, mục đích vay là tiêu dùng. Như vậy hợp đồng vay tài sản giữa ông A và bà B là hoàn toàn hợp pháp.
Thứ hai, việc kiện đòi tài sản của ông A là có căn cứ
Theo quy định của BLTTDS 2015, tại khoản 5 Điều 70, một trong những nghĩa vụ của nguyên đơn là cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu không có hợp đồng chứng minh việc vay tiền, số tiền vay thì nguyên đơn cũng có thể đưa ra các tài liệu khác để chứng minh ví dụ như: Các cuộc trao đổi, biên bản giao/nhận tiền, băng ghi âm, ghi hình liên quan đến việc vay tiền, giấy tờ/biên lại chuyển khoản, giải ngân…; đưa ra nhân chứng biết về mối quan hệ, giao dịch… từ đó có cơ sở chứng minh hợp đồng vay tiền là có thật.
Như vậy để có căn cứ chứng minh ông A đã giao tiền cho bà B thì ông A cần cung cấp cho Tòa án các chứng cứ khác như băng ghi âm, ghi hình liên quan đến việc vay tiền, giấy tờ/biên lại chuyển khoản, giải ngân…; đưa ra nhân chứng biết về mối quan hệ, giao dịch… để Tòa án có căn cứ giải quyết vụ án. Do đó hợp đồng vay tiền không bắt buộc phải có biên bản giao nhận tiền vay.